Đặc điểm vị trí địa lý Thành phố Thuận An
Thành phố Thuận An có diện tích tự nhiên 83,71 km2, nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Dương; phía Đông giáp thành phố Dĩ An, phía Bắc giáp thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, phía Tây giáp quận 12, phía Nam giáp quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh;
Thành phố có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: An Phú, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú và xã An Sơn. Trong đó, hai phường Lái Thiêu và An Thạnh trước đây là hai thị trấn thuộc huyện Thuận An cũ, được xem là hai trung tâm dân cư và thương mại lâu đời nhất tại Thuận An từ thời vua Minh Mạng.
Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Thuận An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đã xây dựng Chiến khu Thuận An Hòa là một trong những căn cứ cách mạng lớn của tỉnh, là nơi tổ chức, chỉ huy, xây dựng và phát triển lực lượng chiến đấu của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh góp phần quan trọng vào các thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 và nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, Thuận An đã không ngừng thay đổi, vươn lên cùng với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Huyện được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng về các loại cây ăn trái đặc sản và phát triển mạnh với ngành nghề gốm sứ, điêu khắc gỗ truyền thống.
Tháng 8/1999, thực hiện Nghị định số 58/1999/NĐ-CP của Chính phủ, huyện được chia tách thành huyện Thuận An và huyện Dĩ An, trong đó, huyện Thuận An có 10 đơn vị hành chính (08 xã và 02 thị trấn), 56 khu phố - ấp, dân số toàn huyện tại thời điểm này là 361.604 người.
Ngày 13/01/2011, thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, huyện được nâng lên thành thị xã với 10 đơn vị hành chính (07 phường và 03 xã), diện tích tự nhiên 8.426ha, dân số 382.034 người.
Đến cuối năm 2013, xã Bình Nhâm và xã Hưng Định được nâng cấp lên phường theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ. Hiện nay thành phố Thuận An có 09 phường và 01 xã.
Đến 01/02/2020, thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tình hình Kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, thành phố Thuận An luôn là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thị xã luôn ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 143,88 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực kinh tế chuyển biến tích cực theo cơ cấu công nghiệp, dịch vụ- thương mại, nông nghiệp; năm 2018, tỷ lệ công nghiệp — xây dựng chiếm 79,48%,thương mại - dịch vụ — du lịch chiếm 20,44% và nông lâm nghiệp chiếm 0,08%.
Toàn thành phố hiện nay có 03 khu công nghiệp (VSIP 1, Việt Hương, Đồng An) và 03 cụm công nghiệp tập trung, thu hút 2.368 doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 400 doanh nghiệp.
+ Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore cấp giấy phép đầu tư số 1498/GP ngày 13 tháng 02 năm 1996.
+ Khu công nghiệp Đồng An thành lập tháng 11/1996, Tại Phường Bình Hoà, Thị xã Thuận An
+ Khu công nghiệp Việt Hương I cấp giấy phép đầu tư số 02/GPĐTTN ngày 25/11/1996 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp
Hiện nay, trên địa bàn đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị An Phú Hưng, khu đô thị An Thạnh, khu đô thị Eco Xuân Lái Thiêu, khu đô thị The Seasons Lái Thiêu, khu đô thị Vĩnh Phú I...
Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những chuyển biến tích cực theo định hướng, hài hòa với phát triển kinh tế. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, tết Nguyên đán và các sự kiện của địa phương. Công tác giảm nghèo và chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, xã hội được quan tâm thường xuyên. Công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được duy trì thường xuyên. Công tác xã hội hóa trên lĩnh vục giáo dục, y tế được thực hiện có hiệu quả đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị y tế và các thiết chế văn hóa thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí ngày càng tăng của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phát huy các điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế - xã hội và các thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, Thuận An sẽ tiếp tục phấn đấu để giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định và bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị, quyết tâm xây dựng đúng định hướng quy hoạch của tỉnh Bình Dương..
Thuận An hiện có cả nhóm bệnh viện công lập và tư nhân với nhiều trang thiết bị hiện đại, cung ứng số lượng giường bệnh cũng như chất lượng khám chữa bệnh cho bà con. Một số nhu cầu khác của người dân như giáo dục, vui chơi, giải trí, giao lưu văn hoá cũng rất được quan tâm nhờ hệ thống trường học các cấp, công viên, khu vui chơi giải trí, bưu điện Thuận An Bình Dương,…
Địa bàn thành phố hiện đang có khoảng 7 trung tâm thương mại, gồm: AEON, Lotte Mart, Minh Sáng Plaza,… cùng 5 siêu thị, 24 khu chợ chia đều trên địa bàn 10 phường, xã.
Tỷ lệ đô thị hóa của Thuận An đã đạt tới 98,5% và số lao động phi nông nghiệp chiếm đến 70%. Đây là thành tựu rất đáng kể mà một thành phố trẻ như Thuận An có thể đạt được chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2017 đến nay.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Không chỉ đạt được nhiều thành tựu trong quy hoạch, phát triển đô thị, thành phố Thuận An Bình Dương đã đồng loạt cải thiện hệ thống đường bộ. Trong số đó, các tuyến đường cao tốc trọng điểm nối Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ Dầu Một hiện đã hoàn thành, thông xe và đem lại thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế.
Một số tuyến đường liên huyện, liên tỉnh cũng đang được tu bổ. Một số dự án phát triển hạ tầng giao thông có thể kể đến như:
+ Cầu vượt tại nút giao ngã 6 An Phú.
+ Cải tạo quốc lộ 13 lên 6 làn xe chạy nối trực tiếp Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Cầu vượt tại giao lộ cầu Ông Bố và quốc lộ 13. Cầu vượt này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Thuận An đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: Aviva Residences sưu tầm