Các Kỹ Năng Thoát Hiểm Cần Thiết Khi Xảy Ra Cháy Chung Cư

Sep 16, 2023
Các Kỹ Năng Thoát Hiểm Cần Thiết Khi Xảy Ra Cháy Chung Cư

Đầu tiên, bạn nên giữ bình tĩnh và ổn định tinh thần của người thân hoặc những người xung quanh. Sau đó, bạn thực hiện theo những chỉ dẫn dưới đây. 

- Bấm chuông báo động

- Ngắt điện 

- Dùng phương tiện chữa cháy dập lửa (nếu phát hiện đám cháy thường có phạm vi nhỏ)

- Tìm thoát hiểm ở lối thoát gần nhất

- Chỉ dùng thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì điện sẽ bị ngắt ngay lập tức.

- Gọi cho cứu hỏa 114

Không chỉ nơi bạn sinh sống mà khi bước vào một tòa nhà bất kỳ nào đó, bạn cũng cần quan sát và định vị ngay lối thoát hiểm (EXIT). Vị trí này thường có bảng đèn luôn sáng và gắn ngay trên tường.

Sau đó hãy áp dụng những kỹ năng thoát hiểm dưới đây để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình:

1. Khi thấy khói, thay vì chạy hãy luôn bò trên sàn để thoát vì khói luôn bốc lên cao, không khí sạch nằm thấp hơn khói. Nếu có mặt nạ phòng độc hãy đeo ngay khi có thể vì khói trong đám cháy vô cùng độc hại, gồm nhiều loại hóa chất trong đó có carbon monoxide và hydrogen cyanide có thể làm bạn bất tỉnh ngay lập tức. Thực tế, hầu hết nạn nhân tại các vụ cháy chung cư đều bị chết ngạt vì khói chứ không phải chết cháy.

2. Sử dụng khăn/mền chất liệu cotton nhúng ướt để che mặt và người nếu phải vượt qua lửa.

2. Hãy kiểm tra cửa trước khi mở cửa tìm đường thoát ra. Cụ thể, bạn hãy dùng mu bàn tay đặt vào cánh cửa, nếu thấy nóng nghĩa là bên kia cửa đang có cháy, bạn sẽ gặp nguy hiểm khi mở cánh cửa đó ra. Việc dùng mu bàn tay để kiểm tra độ nóng cũng giúp lòng bạn tay bạn không bị bỏng, sẽ gây khó khăn cho việc bò, vịn, leo trèo… để thoát hiểm.

3. Chỉ khi quan sát qua khe cửa thấy không có khói bốc lên, thử mu bàn tay không nóng, thì mới mở cửa và đi ra tìm lối thoát hiểm.

4. Tuyệt đối không trốn vào phòng kín, phòng tắm hay nhà vệ sinh vì rất dễ bị ngạt khí.

5. Nếu lửa đã bén vào áo quần bạn đang mặc trên người nhớ đừng chạy vì sẽ khiến lửa bùng lớn hơn. Bạn hãy nằm xuống, lăn qua lăn lại nhiều vòng đến khi lửa được dập tắt rồi tiếp tục bò ra ngoài.

6. Khi thấy lối thoát đã bị lửa bao trùm, nếu đang ở tầng thấp có thể nhảy xuống được, bạn hãy dùng các vật dụng mềm có sẵn trong nhà như vải, gối, chăn, đệm ném xuống đất trước để giảm chấn. Nếu ở trên tầng cao, hãy tìm cách chạy dần lên phía trên để chờ cứu hộ hoặc tìm cách di chuyển sang các mái nhà lân cận. Trong trường hợp này, ếu nhà bạn không có sẵn thang dây dự phòng, bạn hãy dùng chăn, ga, rèm cửa, quần áo có sẵn trong nhà, buộc chặt lại với nhau thành một sợi dây chắc chắn và cẩn trọng bám vào dây để đu xuống bên dưới.

7. Trường hợp không tìm được lối thoát nào, hãy đóng kín cửa hướng có khói lửa, lấy băng dính dán các khe hở, thấm ướt khăn bịt khe cửa, tưới nước vào cửa, hoặc cả nền nhà… nhằm giảm tối đa khói. Nếu phía ban công không có khói, hãy mở hết các cửa sổ hướng ra ban công. Sau khi đã giảm tối đa nguy cơ khói xâm nhập vào nhà, nhớ gọi điện cho người thân nhờ hỗ trợ đồng thời để sẵn nhiều khăn, vải ướt, nằm thấp, cố thủ với không khí tươi và chờ đợi.

8. Luôn nhớ khi sự cố xảy ra, "chỉ cần sống", đừng cố tìm kiếm tiền hay vật giá trị; đừng tìm hiểu tại sao cháy, không chụp hình, livestream, vì bạn không có nhiều thời gian dành cho bạn.

9. Cuối cùng nếu đã thoát ra ngoài bạn đừng quay lại, chưa chắc bạn đã làm được điều gì mà có thể lại gây nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra, bạn cũng nên vẽ sẵn sơ đồ thoát hiểm của nhà mình: cả nhà thảo luận và thống nhất 1 sơ đồ dễ hiểu, rõ ràng, dán nơi dễ nhìn. Đồng thời dự trù điểm cuối đường thoát hiểm là nơi tụ tập của cả gia đình sau khi thoát (thường cách nhà 200- 300m và nên là một nơi dễ tìm), để tránh khi sự cố xảy ra, người thân hoảng loạn không thấy nhau và quay ngược vào đám cháy để tìm.

Nếu có thể, nên thực hành diễn tập theo sơ đồ thoát hiểm với cả gia đình, thảo luận với con cái và đặt ra các tình huống giả định để cùng giải quyết: Nếu cháy xảy ra thì phải làm sao?

Nguồn: Aviva tổng hợp

 

 

Tags: